ANTĐ - Nghe con trai khai nhận tội lỗi tại cơ quan Công an với tư cách người giám hộ, ông Sơn lặng đi vì đau đớn khi con trai trách cứ "nếu bố mua điện thoại cho con thì con đã không phải đi cướp".
Căn nhà 2 tầng, có thể nói là khang trang nhất thôn Đồng Quán, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc của Đào Văn Tài - sát thủ học lớp 12 - kẻ vừa gây ra vụ giết hai mẹ con chủ tiệm Internet ở xã Bồ Lý, im ắng đến lạnh, dù trong nhà hắn lúc này có gần chục người. Không ai buồn nói với ai lời nào, chỉ có những tiếng sụt sùi, cả chúng tôi - những vị khách không mời cũng không biết phải mở đầu câu chuyện bằng cách nào. Thật may, ba Đằng (bà ngoại của Tài) đã thật thà kể ngọn nguồn về hắn. Tài là một trong bốn đứa cháu ngoại luôn được bà thương yêu nhất vì nó... hiền và rất ngoan.
"Nó ngoan lắm cô ơi"
Bố mẹ của Tài đều vắng nhà. Bố hắn đi đâu không ai biết, nhưng mẹ hắn thì hình như phải ra trạm y tế xã truyền nước vì mấy hôm nay bị ngất liên tục. Từ lúc nhận tin thằng Tài gây ra vụ trọng án ở xã bên, bà Đằng vội vàng thu xếp để lên trông nom nhà cửa cho bố mẹ nó và cũng là để động viên các thành viên còn lại trong nhà vượt qua được cơn bĩ cực này. "Tôi đau lắm cô ạ. Ở nhà, ai cũng khen thằng Tài nó ngoan lắm. Lần nào nó vào thăm, tôi cũng khuyên nó phải chăm chỉ học hành, đừng đua đòi theo bạn bè. Tôi già cả rồi, cũng chỉ biết khuyên thế, nó vâng vâng dạ dạ, còn ôm tôi nói, bà đừng lo về cháu. Thế mà bây giờ nó lại gây ra cơ sự này. Sao ông trời lại cứ bắt lá vàng phải khóc lá xanh thế này" - nói rồi bà Đằng giơ hai tay lên trời, đôi mắt nhăn nheo nhòe nước.
Trong câu chuyện, bà Đằng nói rằng, bà rất thương anh con rể (tức là ông Đào Văn Sơn, SN 1971 - bố của Tài) vì bố ông Sơn hy sinh khi ông còn nằm trong bụng mẹ, lớn lên vài tuổi, lại mồ côi mẹ sớm. Cuộc đời tưởng đã an nhàn khi l0 năm nay, ông Sơn giữ chức Hiệu phó trường tiểu học xã, cô con gái lớn (chị gái của Tài) đang là sinh viên một trường đại học sư phạm. Không ngờ, thằng con trai cao lớn, nuôi cho ăn học tử tế, sắp đến ngày thi đại học thì lại sinh chuyện. Công sức nuôi nấng, dạy dỗ nó gần 20 năm coi như đổ xuống sông xuống bể.
Một bà bác của Tài ngồi trên giường, mắt đỏ hoe. Ngồi cạnh là mẹ của cháu Cường - đứa bạn thân học cùng lớp 12A1 Trường THPT Tam Đảo 2 của Tài. Chị buồn rầu cho biết: "Ngày xưa, tôi học cùng lớp với mẹ cháu Tài. Sau này, hai thằng con trai của hai đứa lại học cùng nhau nên chúng tôi thường qua lại, động viên hai đứa học hành. Bố mẹ nó tốt lắm, không có điều tiếng gì, cháu Tài cũng thế. Hôm các bạn lớp nó nhận tin, kéo nhau đến bệnh viện thăm nó (Tài bị bắt tại hiện trường và bị người dân bức xúc đánh phải nhập viện), các thầy cô và các bạn đều khóc. Hôm thứ hai vừa rồi, thấy các cháu về kể chuyện, giờ chào cờ toàn trường, cô hiệu trưởng cũng khóc. Ai mà nghĩ nó lại giết người. Thằng Cường nhà tôi mấy hôm nay chả thiết ăn uống, học hành gì, nó khóc suốt và bảo tôi: "Con buồn quá mẹ ạ!". Khổ, chúng nó thân nhau như anh em mà".
Trên bức tường ở phòng khách, một tấm giấy khen mà Trường THPT Tam Đảo đã tặng cho Tài với danh hiệu "Học sinh tiên tiến" năm học lớp 11 được treo cẩn thận, trang trọng cùng hàng với những tấm giấy khen của ông Đào Văn Sơn. Lớp 12A1 của Tài là lớp chọn, hắn theo học khối A và đã đăng ký nộp hồ sơ dự thi vào Học viện Cảnh sát. Tài mới vượt qua vòng sơ tuyển và đang đợi đến ngày thi tốt nghiệp cũng như thi đại học. Phòng ngủ của hắn ngăn nắp, gọn gàng với giường, tủ, bàn học, chiếc cặp sách to đùng. Trên tường, ngay trước bàn học, Tài dán 3 tờ giấy ghi nhằng nhịt công thức toán học để ôn luyện cho hai kỳ thi quan trọng sắp tới. Tâm sự với các điều tra viên, hắn cho biết, từ nhỏ hắn đã mơ ước được trở thành Công an, nhưng chỉ vì muốn có một chiếc điện thoại để chơi game, Đào Văn Tài đã phạm tội tày trời và vĩnh viễn không bao giờ có thể thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình.
Chúng tôi đã một lần nữa gặp lại những lời nhận xét dành cho sát thủ lớp 12 này, như khi vụ án Lê Văn Luyện xảy ra, những người thân và những người hàng xóm đã nhận xét về Luyện, rằng "nó ngoan lắm, hiền lắm, nhìn thấy tiền rơi cũng không nhặt". Nhưng niềm đam mê game online của Tài thì không thấy ai đề cập tới. Có thể họ chưa biết cặn kẽ về sát thủ này chăng? Khai tại cơ quan điều tra, hắn cho biết, đã nhiều lần mò đến hàng Internet của mẹ con nạn nhân Lương Thị Nguyệt để chơi game. Trò hắn thích thú nhất là trò "Vườn địa đàng". Thế giới ảo đã cuốn hắn đi khỏi đời sống thực tại. Và cũng chỉ vì game, vì muốn có tiền mua một chiếc điện thoại để chơi game, Tài đã ra tay giết hai mẹ con chị Lương Thị Nguyệt để cướp tiền.
Đi cướp để có tiền mua điện thoại chơi game
Khi vung những nhát dao oan nghiệt lên cơ thể bé nhỏ của em Nguyễn Hoài Trung, SN 1996 và mẹ của em, Tài không mảy may xúc động. Thậm chí, hắn còn bình tĩnh đến nỗi, khi anh Lương Văn Quân (anh trai chị Nguyệt) và 2 người hàng xóm là anh Đức và Toàn chạy sang vì nghe tiếng kêu cứu của cháu Trung, hắn đã nhanh trí chỉ tay lên gác nói: "Nó chạy lên kia" khi các anh hỏi hắn: "Nó đâu?" vì cứ nghĩ hắn không phải là thủ phạm. Khi các anh vừa định chạy lên lối cầu thang theo chỉ dẫn của hắn thì Tài vội vàng chuồn ra lối cửa hậu. Nhưng "oan gia ngõ hẹp", hắn đã trượt chân vào vũng máu của nạn nhân và ngã sấp, bị bắt tại chỗ. Sự bức xúc, tức giận của những người chứng kiến sự việc đã khiến hắn bị lĩnh một trận đòn đến nỗi phải nhập viện.
Ngày hôm sau, bố mẹ hắn vào viện để chăm sóc Tài thì hắn không dám nói ra sự thật là giết người để cướp tiền mua điện thoại (sau này, hắn tâm sự với một điều tra viên rằng, hắn sợ khi ấy bố mẹ sẽ đau lòng và cũng là do hắn... ngại vì có rất đông bệnh nhân nằm xung quanh). Khi yên vị tại cơ quan điều tra, Tài mới khai thật, hắn gây án một mình, không có ai đi cùng như lúc đầu hắn nói. Nguyên nhân vô cùng đơn giản: Ngày hôm đó (11-4), sau khi ăn cơm xong, hắn tranh thủ chơi game trên máy điện thoại của bố, trước đó, Tài đã hì hục tải trò "Vườn địa đàng" về máy. Đang chơi thì hắn bị mẹ mắng vì cái tội suốt ngày chúi đầu vào game, không lo học hành và giằng luôn điện thoại. Đến khi đi học nhóm, hắn hỏi mẹ: "Con đi xe nào hả mẹ?" (bình thường, hắn vẫn đi một trong hai xe Wave hoặc Dream), nhưng đang cơn bực tức, mẹ hắn nói: "Không xe máy xe móc gì cả, đi xe đạp". Đến khi học nhóm ở nhà một người bạn tên là Đông ra về, hắn hỏi mượn một người bạn cùng lớp chiếc điện thoại để gọi về cho bố mẹ, xin phép về muộn để đi chơi game, nhưng người bạn này đã nói khích hắn: "Nhà mày khá giả thế mà không sắm được chiếc điện thoại à?".
Ba nỗi "bức xúc" cộng lại khiến trong đầu hắn khi ấy chỉ quẩn quanh suy nghĩ làm thế nào để có tiền mua điện thoại. Hắn chợt nhớ ra quán Internet của chị Nguyệt, nhớ đến chiếc tủ đựng tiền bên cạnh máy chủ. Hắn cũng biết rõ nhà chị Nguyệt chỉ có 3 người. Con quỷ tội ác trong hắn trỗi dậy, Tài đạp xe một mạch đến hàng Internet của anh Trần Xuân Bách (cùng xã) rồi giả vờ đi vệ sinh và lấy trộm con dao phay, giấu vào trong cặp. Hắn tiếp tục đạp xe đến nhà chị Nguyệt. Cháu Trung ra mở cửa để hắn dắt xe đạp vào. Hắn tiến đến ngồi cạnh máy 2 (gần máy chủ). Một lúc thì chị Nguyệt bế con nhỏ 3 tuổi vào buồng ngủ. Tài lẳng lặng mở cặp lấy dao giấu vào trong ống tay áo khoác, hắn đi đến đằng sau Trung (đang ngồi chơi điện tử) và bổ một nhát vào đầu. Chuôi dao rơi ra, cháu Trung hét to: "Mẹ ơi, cứu con với", chị Nguyệt trong buồng lao ra đã bị Tài đấm nhiều quả vào mặt và hắn kéo tóc lôi chị vào gian bếp. Nhìn thấy con dao trên bàn bếp, hắn chộp lấy chém vào đầu khiến chị gục xuống. Tài tiếp tục dùng dao chém vào đầu cháu Trung khiến cháu tử vong khi được đưa đến bệnh viện.
Bà bác của nạn nhân Trung đã kể cho tôi nghe hoàn cảnh rất đáng thương của cháu trai này. Khi cháu chưa tròn một tuổi thì bố mẹ chia tay, chị Nguyệt vào Nam làm ăn, gửi Trung lại cho bà bác chăm sóc. Sau này, chị lại đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, thành ra thời gian chị được gần gũi với Trung khá ít. Đến khi về quê, chị xây được gian nhà cấp bốn ven đường và mở quán Internet từ đồng vốn ki cóp khi lao động ở nước ngoài, mấy mẹ con nương tựa vào nhau, sống nhờ vào quán Internet có vài ba chiếc máy tính cũ rích. Mấy ngày hôm nay, dù bị thương nặng nhưng ngày nào chị cũng điện thoại về nhà hỏi thăm về Trung. Chị chưa biết sự thật đau đớn, bởi những người thân của chị không nỡ nói cho chị biết lúc này.
Ngồi nghe con trai khai nhận tội lỗi tại cơ quan Công an với tư cách người giám hộ, ông Sơn lặng đi vì đau đớn khi nghe con trai trách cứ "Nếu bố mua điện thoại cho con thì con đã không phải đi cướp", ông nghẹn lời nói không thành tiếng: "Bố có tiếc gì con đâu".
Nguồn: baomoi.com